Nan giải vấn đề gom và xử lí rác thải ở nông thôn

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã từng bước rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, đời sống của người dân cũng được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, kéo theo đó là lượng rác thải từ sinh hoạt, kinh doanh mua bán ở các vùng nông thôn cũng tăng lên nhưng vẫn chưa có hướng xử lý thỏa đáng.

Sở TN-MT phối hợp với UBND xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) tổ chức đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm.

Cần ưu tiên xử lý rác nông thôn

Trước đây, người dân nông thôn thường có thói quen chôn lấp rác sau vườn nhà, bởi đa phần là rác hữu cơ nên cũng có thể ủ thành phân compost để trồng cây, hoa màu, vừa giúp hạn chế được tình trạng xử lý rác thải không đúng cách vừa giúp chính quyền địa phương giảm áp lực trong việc thu gom.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nông thôn nhanh chóng như ngày nay, rác vô cơ ngày càng nhiều, trở thành một vấn đề nhức nhối trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn.

Không khó để bắt gặp những điểm tập kết rác thải tự phát của người dân nằm dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp, đến các khu vực vắng vẻ xa khu dân cư là túi nylon, chai nhựa, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các loại rác sau thu hoạch nông nghiệp…

Kinh phí để các địa phương duy trì hoạt động thu gom và xử lý rác ở các vùng nông thôn hiện nay chủ yếu do người dân đóng góp, với mức phí từ 15.000 – 20.000 đồng/hộ/tháng – chỉ đủ trả thù lao cho người thu gom rác. Một khó khăn nữa là điểm thu gom rác thải hàng ngày từ các hộ dân thường thưa thớt và ở cách xa khu dân cư, nhiều địa phương thiếu xe chuyên dụng để thu gom và vận chuyển rác đến nơi xử lý… Do đó, nhiều nơi dù người dân luôn hoàn thành tốt việc đóng phí thu gom rác nhưng rác thải thì không được thu gom định kỳ, thường xuyên.

Anh M.P.T (ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) bức xúc: “Việc thu gom rác ở đây thất thường lắm, không đúng như thỏa thuận với người dân. Có lúc hơn một tuần xe mới đến thu gom – khi ấy rác thải đã phân hủy, bốc mùi hôi thối. Theo tôi cần bố trí nhiều thùng rác hơn, thu gom rác đúng thời gian quy định, chứ tuyến đường này đông dân cư mà thu gom thất thường là không ổn, vừa mất mỹ quan, lại không đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân do môi trường bị ô nhiễm”.

Hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn

Để môi trường nông thôn được xanh – sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để và tối ưu vấn đề rác thải sinh hoạt, bắt buộc người dân phải phân loại tại nguồn. Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng và BVMT nói chung không chỉ đơn giản là việc giữ gìn nhà cửa, làng xóm xanh – sạch – đẹp, mà đã được mở rộng hơn, bao gồm cả những hoạt động tiêu dùng bền vững như hạn chế tối đa túi nylon, các đồ nhựa dùng một lần, chai nhựa, sử dụng tối ưu thực phẩm, tăng cường tái sử dụng…

Đơn cử như hoạt động thu gom rác thải nhựa đổi nhu yếu phẩm ở các vùng nông thôn đang áp dụng hiện nay là một trong những cách làm hay, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần BVMT nông thôn; đồng thời, tạo dần thói quen phân loại rác trong người dân.

Chị Trần Thị Dung (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Trước đây, tôi đều dồn chung chai nhựa, rác thải sinh hoạt, giấy vụn… vào bao đựng lúa không còn sử dụng rồi mang ra để ở trước nhà chờ người đến thu gom. Thế nhưng sau khi hiểu được lợi ích của việc phân loại rác, tôi đã để riêng loại rác nào có thể tái chế, phân chia rác hữu cơ, rác vô cơ cho vào bao riêng. Nhờ vậy mà lâu lâu cũng bán được một ít tiền cho con đi học, hoặc đổi lấy nhu yếu phẩm sử dụng dần…”.

Bên cạnh đó, để công tác thu gom và xử lý rác ở nông thôn có hiệu quả, các địa phương cũng cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư thiết bị, xe chuyên dụng, thu gom và xử lý rác thải đúng quy trình, đúng thời gian quy định. Thường xuyên tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường ở các vùng nông thôn. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về BVMT, vứt, ném rác bừa bãi, không đúng nơi quy định… Có như thế thì môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh mới thật sự trong lành, trở thành những vùng quê đáng sống.

0902.57.07.67