Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở huyện Cần Giờ (TP.HCM)

nh trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) ngày càng nghiêm trọng với mỗi năm có thêm 15.000 tấn. Điều này đang gây áp lực và đe dọa ‘lá phổi xanh‘ của TP.HCM nên cần sớm tìm cách giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Ông Trương Tiến Triển – phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) – cho biết tình trạng ô nhiễm rác thải ở địa phương ngày càng nghiêm trọng 

Đây là chia sẻ của Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) Trương Tiến Triển trong lễ ra mắt dự án “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ” ngày 25-11.

Ông Triển cho hay huyện Cần Giờ là địa phương “đặc biệt” của TP.HCM vì huyện vừa có rừng, biển và núi với diện tích hơn 70.000 ha (bằng 1/3 diện tích của toàn thành phố). Trong số này có 34.000 ha rừng ngập mặn, đường bờ biển trên 20km, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú.

Thế nhưng, mỗi năm huyện Cần Giờ có thêm 15.000 tấn rác thải nhựa. Dù địa phương có diện tích rộng, nhưng số dân ít, do đó lượng rác thải ra môi trường là lớn với 35 tấn/m2.

Đặc biệt, thực trạng rò rỉ chất thải nhựa đang gây áp lực lên Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (được UNESCO công nhận năm 2000 là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam). Điều này đã đe dọa “lá phổi xanh” để bảo vệ thành phố trọng điểm phía Nam.

Theo ông Triển, song song với việc phát triển kinh tế và du lịch thì địa phương đã và đang đối diện tình trạng nhức nhối là ngày càng nhiều rác thải nhựa (túi ni lông, chai nhựa…) do chính người dân địa phương và khách du lịch vứt ra môi trường.

“Nếu chúng ta thực hiện tốt việc phân loại, tái chế chất thải nhựa trong tổng số rác phát sinh, thì bên cạnh giảm chi phí vận chuyển, còn tận thu từ rác thải nhựa, từ đó tạo sự tuần hoàn rác thải nhựa trên địa bàn, góp phần giảm lượng rác thải nhựa thải ra môi trường, cải thiện chất lượng môi trường”, ông Triển nói.

Với mong muốn chung tay xây dựng mô hình tuần hoàn về rác thải nhựa, UBND huyện Cần Giờ phối hợp Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh triển khai dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ”.

Dự án này thông qua việc thúc đẩy sự hợp tác của người tiêu dùng, cá nhân thu gom, doanh nghiệp tái chế và chính quyền địa phương trong công tác thu gom, tái chế rác thải, đồng thời thu thập phản hồi về các chính sách cấp quốc gia.

Dự kiến dự án này triển khai tới tháng 12-2023 với ba phần chính gồm: đánh giá thực trạng rác thải nhựa tại địa phương; thiết kế giải pháp, mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng cường năng lực các bên liên quan trong triển khai mô hình và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và quảng bá doanh nghiệp tái chế nhựa.

Ông Tống Viết Thành – phó trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – mong muốn qua dự án này các bên sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình để giảm rác thải nhựa ra môi trường.

0902.57.07.67