Rác thải bủa vây đảo ở vịnh Cam Ranh

Rác thải, túi nylon, chai nhựa từ nơi khác trôi vào và do người dân xả ra ở đảo Bình Ba, TP Cam Ranh, gây ô nhiễm điểm du lịch nổi tiếng một thời.

Những ngày qua, anh Đoàn Nam, 35 tuổi, ghé đảo Bình Ba công tác. Sau hai năm quay trở lại, anh bất ngờ vì nhiều nơi trên đảo ngập ngụa rác thải. Xung quanh khu vực cầu cảng, hộp nhựa, chai nhựa, lọ nhựa, túi nylon, thùng xốp nổi lềnh bềnh, dày đặc. Tại bờ biển phía Tây đảo, rác kéo dài hàng trăm mét. “Tôi đi cano từ TP Cam Ranh ra đảo, thấy hai bên có hàng trăm lồng bè nuôi tôm, cá. Nhiều người dân sinh hoạt trên lồng bè và xả rác thẳng xuống biển”, anh Nam nói.

Nằm cách TP Nha Trang 60 km về phía nam, đảo Bình Ba rộng khoảng 3 km2, với bãi biển hoang sơ, nước xanh trong vắt. Nơi đây từng là một trong những điểm đến nổi tiếng của khách du lịch trong nước. Hồi tháng 4, du khách bị cấm ra đảo để đảm bảo an ninh cho căn cứ quân sự tại Cam Ranh.

Một khu vực ở đảo Bình Ba ngập rác thải nhựa

Bà Nguyễn Thị Mẫn, người dân trên đảo Bình Ba, cho biết từ tháng 10 đến khoảng tháng 2, rác thải từ những nơi khác dạt vào đảo rất nhiều, bốc mùi khó chịu. “Đa số rác thải là túi nhựa, chai nhựa, hộp xốp, các vật dụng sinh hoạt lẫn cả xác động vật, nên tôi nghĩ chúng có thể là từ đất liền trôi ra”, bà nói.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, TP Cam Ranh, nói tình trạng rác thải tràn lan trên đảo diễn ra từ nhiều năm qua. Hàng tuần, chính quyền địa phương đều tổ chức thu gom rác nhưng đâu lại vào đó. Chỉ trong đầu tháng 12, xã thu gom được 20 tấn rác thải nhựa nhưng sau 5 ngày, chúng lại tràn ngập.

“Đảo Bình Ba như cái phễu đón hết vật liệu trôi nổi trên vịnh Cam Ranh. Ngay cả lục bình chỉ có ở các dòng sông cũng trôi dạt ra tận đảo”, ông Ân nói và cho biết địa phương đã chi hàng trăm triệu đồng mỗi năm để khắc phục tình trạng này nhưng không thể giải quyết dứt điểm.

Đảo Bình Ba từng là một điểm du lịch nổi tiếng ở Khánh Hoà

Theo ông Ân, hiện trên đảo có một khu xử lý rác thải sinh hoạt của người dân với công suất khoảng 3 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, đến “mùa” rác tràn vào đảo, khu xử lý luôn quá tải. Rác thường trôi đến đảo vào mùa mưa nên khó đốt tiêu hủy.

Chưa kể, việc thu gom rác trên đảo vẫn mang tính thủ công. Địa phương không có tàu chuyên dụng để cào rác thải nhựa ở khu vực cảng.

“Xã nhiều lần họp bàn mua tàu chuyên cào rác, nhưng mỗi năm chúng chỉ xuất hiện khoảng 4 tháng nên còn nhiều ý kiến lo ngại gây lãng phí, tốn tiền bảo trì”, ông Ân nói.

Lãnh đạo xã Cam Bình cũng thừa nhận, bên cạnh rác thải từ nơi khác trôi dạt vào đảo, còn có cả rác tại chỗ của các hộ dân trên đảo xả ra môi trường. Địa phương đã lắp đặt nhiều biển báo, kêu gọi người dân không xả rác xuống biển, dùng các sản phẩm tái chế. Tuy nhiên, một số chủ bè và những người làm thuê vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường.

Do đó, ông Ân cho rằng huyện, tỉnh cần có thêm nhiều chương trình tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành động của cả cộng đồng nuôi tôm. Không chỉ các hộ ở vùng biển Cam Ranh, mà tất cả xã quanh vịnh mới mong tình trạng ngập rác được cải thiện.

0902.57.07.67